11 January, 2011

Đội hình tiêu biểu 2010 của FIFA

Bóng đá Anh bẽ bàng vì FIFPro Năm 2010, hiệp hội cầu thủ nhà nghề FIFPro kết hợp với FIFA tiến hành bầu chọn "Đội hình tiêu biểu" bằng việc thu thập 50.000 phiếu bầu từ các cầu thủ trên khắp thế giới. Và trong đêm công bố giải thưởng tại Zurich, Thụy Sỹ đêm qua, giới truyền thông Anh không tránh khỏi cú sốc, bởi không có bất cứ cầu thủ người Anh, thậm chí cầu thủ chơi bóng ở Premier League góp mặt trong “Dream Team 2010”. Điều đó hoàn toàn trái ngược với mùa trước, khi họ đóng góp tới 5 cái tên. Nhà vô địch Tây Ban Nha Barcelona và chủ nhân cú “ăn 3” Inter Milan chiếm lĩnh "Đội hình tiêu biểu 2010", với tổng cộng 9 vị trí. Trong đó, Barca lập kỷ lục với tư cách đội bóng có nhiều cầu thủ góp mặt nhất: 6 người. Về cấp độ ĐQGT, Tây Ban Nha đã tự phá kỷ lục năm 2008, khi có tới 6 tuyển thủ được vinh danh (kỷ lục cũ là 5 người năm 2008). Đội hình FIFA/FIFPRO 2010: Casillas (Real Madrid), Maicon (Inter), Puyol (Barcelona), Lucio (Inter), Pique (Barcelona), Sneijder (Inter), Xavi (Barcelona), Iniesta (Barcelona), Ronaldo (Real Madrid), Messi (Barcelona), Villa (Barcelona). Năm 2009, có tới 5 cầu thủ đang chơi ở Premier League được vinh danh. Trong đó, Terry lần thứ 5 góp mặt trong Đội hình tiêu biểu - một kỷ lục mà ngay cả Ronaldo và Messi, hai cầu thủ 4 lần lọt vào đội hình, cũng chưa thể san bằng. Tiếc rằng năm 2010, Terry đã "đứt mạch" kỷ lục Năm 2008, cũng có tới 5 cầu thủ Premier League góp mặt trong đội hình tiêu biểu FIFPro Năm 2007 là 4 cầu thủ "Thất bát" như mùa bóng 2005/06, bóng đá Anh vẫn có một cái tên được vinh danh: Lampard Năm 2005, bộ đôi Chelsea: Makelele và Terry tươi cười trong lễ nhận giải FIFPro. Ngoài hai cái tên này, Premier League còn có Frank Lampard Sự mất giá của Premier League Những năm qua, các đội bóng thuộc nhóm "Big Four" giống như tấm gương phản chiếu cho sự thành công của Premier League. Và khi hình ảnh của họ đang ngày một mất giá như hiện nay, dễ hiểu vì sao Ngoại hạng Anh không còn nhận được sự chú ý, ủng hộ cuồng nhiệt từ khán giả lẫn giới chuyên môn. Ngay trong lòng nước Anh, nơi có các CĐV vốn nổi tiếng yêu bóng đá đến cuồng tín cũng đã xuất hiện những làn sóng chán nản về giải đấu được coi là hấp dẫn nhất hành tinh. Bằng chưng là mới đây, ông chủ John Henry của Liverpool đã phải ban bố lệnh giảm giá vé sân khách đến cuối mùa cho những người hâm mộ chưa đến tuổi thành niên, nhằm lôi cuốn các CĐV đến sân khách cổ vũ. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Liverpool. Thê thảm hơn, sân đấu có sức chứa 40.000 chỗ ngồi của Chelsea và 47.000 chỗ ngồi của Man City hiếm khi đầy ắp khán giả mùa này. Kết quả, Man City phải kết hợp với Disneyland xây dựng một khu vui chơi hiện đại ngay cạnh SVĐ City of Manchester. Họ hi vọng hình thức xem bóng đá kết hợp vui chơi giải trí sẽ thu hút nhu cầu từ khán giả. Còn ông chủ Roman Abramovich của Chelsea cũng vừa duyệt kế hoạch xây… hộp đêm ngay trong SVĐ Stamford Bridge để phục vụ những quý ông xao lãng với sự đi xuống của The Blues. Sau những năm góp mặt 3/4 đại diện ở bán kết, các thành viên "Tứ đại gia" cũng đang dần "bật bãi", điển hình là Liverpool Ngay cả một đội bóng có lượng fan đông đảo là Manchester United cũng không thể lấp đầy "Nhà hát" có gần 80.000 chỗ ngồi. Vậy là ban điều hành Old Trafford phải nghĩ ra biện pháp... spam (gửi tin nhắn rác) đến hàng loạt các e-mail thư điện tử được "khách hàng" đăng kí trước đây, chào mời giảm giá vé với hi vọng cứu Quỷ đỏ khỏi một năm tài khóa bết bát. "Có lửa mới có khói", nếu nhóm Tứ đại gia hay Gã nhà giàu mới nổi Man City không thể hiện sự nhàm chán trong các trận cầu kinh điển của nước Anh, có lẽ khán giả đã tỏ thái độ tích cực hơn với đội nhà. Nhìn sang "siêu kinh điển" El Clasico ở Tây Ban Nha, giữa Barcelona và Real Madrid, nơi cầu thủ hai bên chơi như thêu hoa dệt gấm, cuốn hút người xem, mới thấy rõ sự nhạt nhẽo từ những trận đấu được gọi với mỹ từ "Derby nước Anh", nhưng lại diễn ra hết sức tẻ nhạt. Man Utd - Arsenal, cặp đấu của những cầu thủ tấn công trước kia, bỗng dưng "ru ngủ" khán giả vì lối đá thiếu "máu lửa", cống hiến giữa hai đội, để rồi kết thúc chỉ với vỏn vẹn 1 bàn thắng được ghi (Park Ji-sung). Arsenal - Man City, hai thế lực đứng sau Man Utd trên BXH, cũng làm NHM thất vọng vì trận cầu không bàn thắng, khi "Man xanh" không chịu chơi bóng (tử thủ cầm hòa). Chelsea – Man City, trận đấu được coi là derby kim tiền giữa 2 CLB giàu thực lực kinh tế nhất Premier League, cũng chỉ có 1 bàn thắng được ghi. Ngay cả trận derby kinh điển "huyết hải thâm cừu" thành Manchester giữa Man Utd và Man City, những tưởng sẽ diễn ra đầy thù địch, song trái lại đó là một màn trình diễn buồn tẻ nhất giữa hai đội trong những năm qua. Ngoài những trận derby "Big Four+1" không còn hấp dẫn, mùa giải năm nay còn chứng minh sự "mất giá" của họ khi đối mặt với các đối thủ yếu hơn. Man Utd bất bại từ đầu giải, nhưng chơi tệ hại trên sân khách. Arsenal trận "nổ", trận "xịt", còn Liverpool và Chelsea đang sa sút hơn bao giờ hết. Những gì đọng lại ở các trận đấu đỉnh cao mùa này ở Premier League chủ yếu là các pha phạm lỗi Có một sự thực mà Premier League phải thừa nhận, đó là mảnh đất xứ sương mù không phải điểm đến ưa thích hay gắn bó của những siêu sao hay nhất thế giới. Năm 2009, Ronaldo rời Old Trafford đến Bernabeu với tuyên bố: "Đây là mơ ước từ nhỏ của tôi". Tham vọng của Ronaldo cũng là tham vọng chung của các ngôi sao lớn nhất thế giới thời gian qua. Nước Anh chưa từng hấp dẫn được Maradona, Ronaldo (Brazil), Rivaldo, Zidane, Ronaldinho, Figo, Kaka, Messi... nhưng Tây Ban Nha luôn là điểm đến mơ ước của các ngôi sao trên. Premier League cần Fabregas, Alonso, Torres từ Tây Ban Nha nhưng những Real hay Barca không cần Crouch, Heskey, Barry của nước Anh. Rooney, Lampard, Gerrard, Terry, Rio tất nhiên là được các ông lớn La Liga thèm thuồng song sự thèm thuồng đó chưa đủ lớn để họ bám riết một trong các cầu thủ trên. Điều đó phần nào cho thấy sự thua kém của giải đấu cao nhất xứ sương mù, và cũng là điềm báo trước sự mất giá của những ngôi sao Premier League. Premier League "mất giá" vì chính sách thuế và đồng bảng Anh? Trước khi tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra năm 2008, 1 bảng Anh tương đương 1,5 euro, nhưng kể từ đó đến nay, tỉ giá này đã tụt xuống còn 1 bảng Anh đổi được 1,18 euro, và có nhiều thời điểm là ngang hàng 1:1. Đồng bảng Anh mất giá cũng có nghĩa là các CLB ở Premier League phải trả nhiều hơn cho các vụ chuyển nhượng cầu thủ trên thị trường châu Âu. Ngoài ra, cấu trúc lương của Premier League cũng tác động tiêu cực đến nền tảng tài chính của các CLB Anh quốc. Các đội Anh thu tiền bán vé, truyền hình... qua đồng bảng Anh nhưng mua cầu thủ ở lục địa châu Âu bằng đồng euro. Nói nôm na, khi đồng bảng chưa mất giá thì với 7 triệu bảng, họ có thể mua được một cầu thủ có đẳng cấp nhưng bây giờ, khi đồng bảng mất giá, họ cần phải bỏ ra 10 triệu bảng để mua một cầu thủ như thế. Điều đó khiến những "đại gia" như MU, Chelsea, Liverpool và Arsenal phải "thắt lưng buộc bụng" trong việc chiêu mộ cầu thủ. Ngoài ra, chính sách thuế thu nhập cá nhân có phần hà khắc của nước Anh cũng khiến các ngôi sao lũ lượt rời khỏi đây, hoặc không ngần ngại từ chối cơ hội chơi bóng ở Premier League. Nếu như chính phủ TBN chỉ đánh thuế thu nhập 24%, thì chính phủ Anh lại áp dụng mức thu 40%. Điều đó khiến Premier League không có lợi thế trong việc hút các cầu thủ giỏi. Lấy ví dụ, MU và Real cùng quăng 10 triệu euro để trả lương cho 1 cầu thủ mỗi mùa, nếu cầu thủ đó đến MU thì anh ta phải nộp thuế 4 triệu và mang về nhà 6 triệu. Trong khi nếu anh ta đến Real thì anh ta nộp thuế 2,4 triệu và mang về nhà gần 8 triệu. Vậy, những Ronaldo, Messi, Kaka, Xavi... sẽ nhận 6 triệu hay 8 triệu? Theo Bưu điện Việt Nam

Bài viết: http://news.zing.vn/Doi-hinh-tieu-bieu-2010-Bong-da-Anh-mat-gia-post224153.html

Nguồn Zing News